Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Tống Sử
cửa sày 𬮌柴
dt. đc. <Nho> dịch chữ trình môn 程門 trong trình môn lập tuyết 程門立雪. Sách Tống Sử phần Dương Thì truyện có đoạn rằng: “cho nên, Dương Thì đến học Trình Di ở đất Lạc, khi ấy quãng tầm bốn mươi tuổi rồi. Một hôm vào gặp thày, Trình Di đang nhắm mắt tĩnh toạ. Dương Thì với Du Tạc cứ đứng chờ thày. Đến khi Trình Di tỉnh thì tuyết ngoài cửa đã sâu một thước.” (至是,楊時見程頤于洛,時盖年四十矣。一日見頤,頤偶瞑坐,時與游酢侍立不去。頤既覺,則門外雪深一尺矣). Sau thường lấy điển này để nói đến việc học trò cung kính thụ giáo thày, hơn nữa là lẽ tôn sư trọng đạo và tinh thần cầu học. Cửa sày, giá nhơn nhơn lạnh, lòng bạn, trăng vặc vặc cao. (Bảo kính 167.5).
Liêm Khê 濂溪
dt. Chu Liêm Khê 周濂溪 (1017-1073) nổi tiếng về việc đưa tư tưởng Đạo giáo vào đạo học. Tống Sử chép: “Chu Đôn Di 周敦頤, tự là Mậu Thúc 茂叔, người ở Doanh Đạo 營道, thuộc Đạo Châu 道州 (nay là huyện đạo 道, thuộc Hồ Nam 湖南). Tên ban đầu là Đôn Thực 敦實, nhưng để tránh tên huý cũ của vua anh tông nên đổi là di 頤. Nhờ người chú tên Trịnh Hướng 鄭向, là học sĩ ở Long Đồ Các 龍圖閣 nên Chu Đôn Di làm chức chủ bạ ở huyện Phân Ninh 分寧 (nay là huyện tu thuỷ 修水, giang tây)… do bệnh tật, ông xin về an trí ở nam khang quân 南康軍, nhân đó làm nhà bên chân núi liên hoa trong rặng lư sơn. Phía trước nhà có dòng suối chảy vào sông bồn, nên ông dựa theo nơi cư ngụ ở doanh đạo mà lấy tên là Liêm Khê 濂溪… khi mất, thọ 57 tuổi. Hoàng Đình Kiên 黃庭堅 khen: “nhân phẩm đôn di rất cao, lòng thênh thang như gió trong trăng tỏ… ông viết thái cực đồ thuyết để làm rõ gốc gác của thiên lý và nghiên cứu đầu đuôi của vạn vật.” Đầu non Thiếu Thất đen bằng mực, dòng nước Liêm Khê lục nữa tràm. (Tự thán 97.6).
Lâm Bô 林逋
dt. (967-1028), tự Quân Phục 君复, ẩn sĩ, nhà thơ, từ gia, thư Pháp Gia nổi tiếng đời Bắc Tống, người thôn hoàng hiền nước Đại Lý (nay là thôn Hoàng Hiền 黄賢, Trấn Cừu Thôn 裘村, thành phố Phụng Hoá 奉化), từ nhỏ đã hiếu học, hiếu cổ, thông chư tử bách gia, tính cô độc, cao khiết, điềm đạm, thích bần hàn, không dua danh lợi. Khi trưởng thành, đi chơi đến vùng Giang Hoài 江淮 , hơn bốn mươi tuổi ẩn cư ở Tây Hồ 西湖 (Hàng Châu 杭州), dựng lều cỏ trên núi, thường bơi thuyền đi chơi các chùa miếu quanh tây hồ, kết giao với nhiều cao tăng, chỉ mặc áo trắng. Mỗi khi có khách đến, đồng tử thả cho hạc bay ra, Lâm Bô thấy hạc biết có khách sẽ quay thuyền về. Thừa tướng vương tuỳ rất mến người và thơ ông, thường đến chơi xướng hoạ. Vua Chân Tông nghe danh ông, bèn ban thóc và lụa, lại ra chiếu cho quan phủ cấp tiền tuất. Nhiều người khuyên ông xuất sĩ, nhưng ông không nghe, nói rằng: “Chí ta không thích thê noa, cũng chẳng công danh phú quý, chỉ thấy non xanh nước biếc hợp với lòng ta mà thôi.” (然吾志之所適,非室家也,非功名富貴也,只覺青山綠水與我情相宜). Lâm Bô cả đời chỉ lấy việc trồng mai nuôi hạc làm vui, lại nói rằng: “Lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con.” (以梅為妻,以鶴為子 dĩ mai vi thê, dĩ hạc vi tử), nên người đời mới gọi là 梅妻鶴子 mai thê hạc tử. Ông có những câu tuyệt cú về mai, rất có ảnh hưởng đến đời sau như: “cỏ thơm úa hết một mình tươi, chiếm hết phong tình mảnh vườn con. Bóng xiên ánh nước nước trong vắt, hương thầm khẽ động nguyệt hoàng hôn.” (众芳摇落獨暄妍, 占盡風情向小園。疏影横斜水清淺,暗香浮動月黄昏). Khi già, Lâm Bô tự làm mộ cho mình ở bên cạnh lều. Lại viết thơ rằng: “Núi xanh trên hồ trước lều cỏ, loà xoà tua trúc cạnh mộ ta.” (湖上青山對結廬,墳前修竹亦蕭疏). Ông mất năm 1028, thọ sáu mươi mốt tuổi, được vua Tống Nhân Tông đặt thuỵ là hoà tịnh tiên sinh 和靖先生. Tác phẩm còn lại gồm ba bài từ và ba trăm bài thơ. Người đời sau sưu tập lại thành cuốn lâm hoà tịnh tiên sinh tập (xem Tống Sử và Lâm Bô Truyện của Tang Thế Xương). Trúc Tưởng Hủ nên thêm tiết cứng, Mai Lâm Bô đâm được câu thần. (Tự thán 81.4). x. Tiên Bô, Bô tiên, Lâm Bô, Lão Bô.
vượn hạc 猿鶴
dt. đc. vượn và hạc. Tống Sử phần Thạch Dương Hưu truyện ghi: “Dương Hưu nhìn nhàn nhã phóng túng, bình thường nuôi vượn hạc, đọc sách vở, ngâm vịnh tự vui.” (揚休喜閑放,平居养猿鶴,玩圖書,吟咏自適). Sau vượn hạc dùng để trỏ ẩn sĩ hay cảnh giới ẩn dật. Thề cùng vượn hạc trong hai ấy, thấy có ai han chớ đãi đằng. (Mạn thuật 23.7).‖ (Tự thán 71.8)‖ (Thuật hứng 60.4)‖ (Tự thán 109.5)‖ (Tự thuật 119.3).